Một lịch sử rực rỡ của giao thương



Dù là iPhone hay gia vị, để làm được ra nó rất nhiều người đã phải đổ máu, mồ hôi và nước mắt.

IPhone đang chi phối chúng ta. Nếu bạn đang đọc dòng này với một chiếc iPhone ở đâu đó, hãy ngẩng đầu lên và nhìn xung quanh: trạm xe bus, nhà hàng, nơi công cộng. Hãy nhìn vào bất cứ căn phòng nào có người đang ngồi, hay thậm chí cả những chiếc xe hơi đang dừng đèn đỏ.

Bất kì nơi đâu, bất cứ khi nào – hầu như tất cả mọi người đều cắm đầu vào một màn hình be bé cỡ khoảng 5 inch. Chúng ta chăm chú, và thỉnh thoảng hé một nụ cười.

ggg

Thứ màn hình cảm ứng mà Steve Jobs công bố cách đây hơn 10 năm hiện tại là chiếc điện thoại, máy vi tính, camera, TV, radio và mạng xã hội của bạn. Tất cả đều nằm trong một thiết bị cầm tay.

Cách đây hơn 700 năm, có một thứ thậm chí còn khiến chúng ta điên cuồng hơn thế, đó chính là các loại gia vị: nhục đậu khấu, quế, hồi, đinh hương, hạt tiêu những thứ không phải gia vị hàng ngày nhưng là món hàng được săn lùng nhất thế giới, thậm chí còn điên cuồng hơn cả cái cách mà người ta xếp hàng tới 11 ngày chỉ để mua iPhone 8.

Trong cuốn Lịch sử giao thương, William Bernstein viết:

“Nếu quá khó để hình dung tầm quan trọng của các loại gia vị trong thời kỳ Trung cổ, thì có thể nghĩ tới sự hấp dẫn màu mè của những thứ xa xỉ trong xã hội ngày nay: sô-cô-la Godiva đóng hộp, xe hơi BMW, giày Gucci. Tiếp đó, xoay quanh những điều huyền bí là sự mù mờ về xuất xứ; có thể nói rằng tất cả những gì chúng ta biết về loại giày tuyệt vời này là nó đến từ đâu đó phía Đông trước khi xuất hiện trên cách kệ hàng… Điều gì sẽ xảy ra nếu những người tiêu dùng phát hiện ra giày đến từ một nhà máy khép kín bình thường ở Florence?”

Chiếc iPhone đang dần trở thành một thứ tín ngưỡng (cult) trong tâm trí người tiêu dùng cũng như các loại gia vị: người ta khao khát chúng hơn hẳn vì chúng hiếm, đắt đỏ và trên tất cả là huyền bí. Sự hấp dẫn, tính tiện dụng của iPhone, sự quyến rũ của gia vị trở thành thứ yếu khi so sánh với thông điệp mà mùi thơm và hương vị đó truyền tải: Ai có chúng sẽ là người giàu sang và địa vị.

Người ta mua iPhone chỉ vì biết rằng nó là sản phẩm của Apple, nhưng không biết rằng để tạo ra một chiếc iPhone hoạt động được cần những kim loại quý hiếm như vàng, vonfram, titan.. Trong các nguyên tố quý giá đó, có lẽ vàng là thứ đắt đỏ nhất; tuy nhiên cái giá của nó lại đến từ mạng người, những con người đã bán cuộc sống mình cho những khu mỏ quặng.

Nơi họ thực hiện giao dịch ấy là ngọn núi Cerro Rico – ngọn núi giàu có, “rich mountain” như cách mà người dân địa phương đã gọi nó từ thuở xa xưa – nằm phủ bóng lên thành phố Potosí, Bolivia. À, nó còn một tên gọi thân thương khác nữa: “Ngọn núi nuốt chửng con người – The Mountain That Eats Men”.

Thay vào đó các loại gia vị khiến người La Mã và cả châu Âu say mê không xuất phát từ một ngọn núi, mà là ở một quần đảo huyền bí có thật được đặt tên là Quần Đảo Gia Vị. Đinh hương, chồi hoa chưa nở của loài cây Sizygium aromaticum cho tới tận bây giờ vẫn chỉ trồng được tại đất núi lửa ở năm quần đảo nhỏ – Ternate, Tidore, Moti, Makian và Bacan – thuộc phía bắc quần đảo Molucca, phía Đông Indonesia. Nhục đậu khấu, loài cây chỉ được trồng trên chín hòn đảo bé như một chấm nhỏ – quần đảo Banda ở phía Nam Molucca.

ggg

Bản đồ trích từ cuốn sách Lịch sử giao thương: Thương mại định hình thế giới như thế nào.


Adam Smith, trong cuốn “Của cải của các dân tộc” nói rằng chỉ có con người, mới được trời phú cho “khả năng buôn bán, thương lượng và trao đổi thứ này với thứ khác.” Một điều quan trọng khác, cũng như tài nguyên thiên nhiên, kĩ năng buôn bán được phân bổ không đồng đều trên những nơi mà con người hiện diện. Từ khi con người có khuynh hướng đập vỡ sọ một người khác, chúng ta có hai lựa chọn: trao đổi – hoặc cướp những gì chúng ta muốn. Cuốn Lịch sử giao thương của Bernstein là một cuốn sách nói về lựa chọn đầu tiên với một cái nhìn mới mẻ.

Vùng đồng bằng Lưỡng Hà may mắn có được đất đai màu mỡ từ hai con sông Tigris và Euphrates. Cư dân ở đó, những người Sumeria, có thừa lương thực nhưng lại thiếu gỗ và đá để xây dựng, các kim loại như đồng để làm công cụ và vũ khí. Họ đành phải lấy lương thực để trao đổi lấy đá ở vùng đầu nguồn của con sông, gỗ từ Lebanon và sắt từ Sinai, Cyprus.

Vào thời La mã, các hạm đội đã vận chuyển ngũ cốc của Ai Cập, rượu Hy Lạp, đồng và bạc Tây Ban Nha, và hàng trăm mặt hàng khác vòng quanh Địa Trung Hải. Người Roma đã vượt đại dương xa xôi, mang vàng bạc tới để đổi lấy những gia vị quý giá từ các tiểu vương quốc thuộc Ấn Độ . Tơ lụa Trung Quốc đi dọc con đường tơ lụa, xuyên qua trung tâm châu Á để tiếp cận các thị trường ở phương Tây và được đổi bằng cách cân với vàng.

ggg

Mảnh đất cằn cỗi và và ít mưa của Hy Lạp cổ đại khiến họ khó có thể trồng được lúa, nhưng  diện tích trồng cây nho và cây ôliu đã tăng lên rất nhiều. Để xuất khẩu rượu vang và dầu ôliu, Athens đã phát triển một ngành công nghiệp gốm sứ để cung cấp các lọ đựng những sản phẩm để vận chuyển. Khi thương mại Hy Lạp, và các thuộc địa, phát triển rực rỡ trên khắp chiều dài và chiều rộng của Địa Trung Hải và Biển Đen, người ta lại phải xây dựng hải quân để ngăn các cuộc xâm lăng. Để kiểm soát các “yết hầu” của vùng biển như Dardanelles và Bosporus, cho tới vùng đất giàu có đang là Ukraine bây giờ, đế quốc của người Athen dần dần được hình thành.

Và khi phương Tây sụp đổ vào cuối thời cổ đại, thương mại đường dài cũng chịu chung số phận. Người Ả Rập đã thống trị các tuyến thương mại chính của Ấn Độ Dương sau khi Hồi giáo nổi lên. Cuối cùng sau khi Tây Âu hồi sinh kinh tế, thương mại lại được khôi phục các cường quốc đang phát triển ở Venice và Trung Đông. (Venice cung cấp nô lệ từ Crimea và Caucasus để đổi lấy gia vị và đường).

Dòng chảy lịch sử giao thương toàn cầu dài và rộng lớn tới mức Bernstein có thể dễ dàng viết ra một cuốn sách “ném chó, chó chết”. Nhưng thật may là ông đã không làm thế. Chỉ trong vỏn vẹn hơn 500 trang với văn phong dễ đọc, cuốn Lịch sử giao thương: Thương mại định hình thế giới như thế nào sẽ cho chúng ta thấy cách mà loài người trao đổi với nhau từ hàng ngàn năm nay.

Lịch sử giao thương là một cuốn sách tuyệt vời dành cho những ai quan tâm đến thương mại và lịch sử. Như cái tên tiếng anh của nó “A Splendid Exchange”, đây là một cuốn sách vô cùng rực rỡ.




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *